Ngược dòng thời gian, cách đây 80 năm tại vùng rừng núi hoang sơ hiểm trở này, cái nôi cơ ngụ của các loài sơn thú, chim kêu, vượn hót, rừng nguyên sinh, đất đai màu mỡ đã bắt đầu thu hút con người đến đây lập nghiệp, để khai thác nguồn tài nguyên tiềm năng kinh tế miền Tây huyện Hương Sơn và nước bạn Lào.
1. Sự hình thành dân cư
Ngược dòng thời gian, cách đây 80 năm tại vùng rừng núi hoang sơ hiểm trở này, cái nôi cơ ngụ của các loài sơn thú, chim kêu, vượn hót, rừng nguyên sinh, đất đai màu mỡ đã bắt đầu thu hút con người đến đây lập nghiệp, để khai thác nguồn tài nguyên tiềm năng kinh tế miền Tây huyện Hương Sơn và nước bạn Lào.
Theo lời của các cụ cao niên, các đồng chí đảng viên lão thành kể lại vào năm 1935 thế kỷ XX, bắt đầu có từng nhóm người từ các xã vùng xuôi như Sơn Hoà, Sơn Mỹ, Sơn Long, Sơn Trà, Sơn Trung, Sơn Phố, Sơn An và một số người dân Nam Đàn, Đô Lương tỉnh Nghệ An, có cả người Lào bắt đầu đến đây sinh cơ lập nghiệp tại 4 vùng, đó là: vùng đất Đượng Vừ (bây giờ là thôn 7) có 39 hộ 44 nhân khẩu, vùng Đượng Nhồng (bây giờ là thôn 9) có 10 hộ 15 nhân khẩu, vùng Mãn Châu (bây giờ là thôn 4) có 5 hộ, 9 nhân khẩu và vùng Đượng Bù (bây giờ là thôn 5) có 5 hộ, 8 nhân khẩu. Năm 1950 có 59 hộ 76 nhân khẩu trên 4 khu vực ở cách nhau 2 đến 3 km.
Sơn Hồng trước kia là một phần đất rộng lớn của xã Tây Sơn. Tháng 7 năm 1954, khi xã Tây Sơn được tách thành 3 xã: Sơn Kim, Sơn Tây và Sơn Lĩnh thì Sơn Hồng ngày đó thuộc xóm Hà Trường xã Sơn Lĩnh. Đến cuối năm 1964, dân số xóm Hà Trường có 121 hộ 152 khẩu với 65 lao động. Đến tháng 4 năm 1964 có 3 hộ xã Sơn Mỹ dắm dân đến ở vùng xóm Vừ. Cuối năm 1964 đến đầu năm 1965 nhân dân các xã vùng hạ Hương Sơn bắt đầu di dân lên ở khắp rải rác trên vùng đất này và tiến hành định cư sinh sống lâu dài. Ban đầu vùng đất này có 4 xóm là Chéc, Đá Gân, Đường Nghè và Nhồng, là những điểm tụ cư tại các đội sản xuất của 5 cơ sở Lâm Nghiệp đóng trên địa bàn.
Đến năm 1968, theo chủ trương của Huyện Hương Sơn cắt xóm 13 của xã Sơn Lĩnh cùng các xóm dân 9 xã lên khai hoang gồm: Sơn Phố, Sơn Phú, Sơn Phúc, Sơn Trung, Sơn Bằng, Sơn Hà, Sơn Long và Sơn Mỹ thành lập xã mới với tên gọi là Sơn Hồng. Hiện nay xã có 11 thôn gọi theo số tự nhiên từ 1 đến 11.
Dân số ở Sơn Hồng có sự thay đổi qua thời gian: Khi mới thành lập (năm 1968) có 337 hộ với 1.885 khẩu. Năm 2012, theo thống kê, dân số toàn xã có 1.112 hộ với 4.267 nhân khẩu, trong đó có 03 hộ theo đạo Thiên Chúa giáo.
Nghề nghiệp của cư dân lúc bấy giờ là đi làm thuê cho các ông thầu khai thác lâm sản trong rừng tại Xai Phố, Bố Lét, Trừu Mộ, Mãn Châu... Cũng từ đó những nhóm người này bắt đầu khai hoang lập nghiệp đặt lên những nhát dao, nhát cuốc đầu tiên khai phá đất đai để trồng khoai, trồng ngô, trồng lúa cho đến tận năm 1968 mới thành lập xã Sơn Hồng
Các dòng họ lúc bấy giờ là họ Đinh, Nguyễn, Phạm, Phan, Trần, Lê, Bùi, Hoàng lên sinh sống cho đến nay nhưng chưa lập nhà thờ các họ mà chỉ về nhà thờ quê hương nguyên quán mỗi khi lễ tết, giỗ họ. Không có nhà thờ công giáo, không có chùa, đền.
2. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Đã hơn nửa thế kỷ qua, ngoài việc chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới, người dân nơi đây trước khi lập xã Sơn Hồng đã một lòng theo Đảng, tham gia các phong trào hoạt động dân quân du kích thuộc xã Tây Sơn, xã Sơn Lĩnh như phòng giam bảo mật, bảo vệ quê hương, lương thiện làm ăn tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, xây dựng và đề cao cảnh giác bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc.
Vốn là một xã được thành lập từ những cụm dân cư di cư từ miền xuôi lên sinh cơ lập nghiệp với nhiều nền văn hóa, lịch sử khác nhau tạo thành bản sắc văn hóa phong phú, khó trộn lẫn địa phương nào. Chính đa sắc màu đó nên khó thống nhất, lãnh đạo. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hương Sơn, trực tiếp là Đảng bộ xã Sơn Hồng cùng cả hệ thống chính trị đã chia ra các tổ hợp tác xã theo cơ cấu các dân có lịch sử phong tục tập quán tương đồng để tạo bước đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát động phong trào thi đua nhất là thời chiến, toàn dân thực sự đoàn kết, đồng cam cộng khổ, từng bước viết nên những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào xây dựng quê hương, đất nước.
* Đời sống kinh tế
Cư dân di dân lên đây đa phần là những người trong độ tuổi từ thanh niên đến trung niên họ di dân di cư cùng về đây để khai hoang lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, nên đời sống chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, khai thác lâm sản... vốn là một xã miền núi vùng biên viễn của Tổ quốc, địa hình khó khăn, cách trở,... bên cạnh đó, điều kiện sản xuất lại lạc hậu, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên hiệu quả thấp. Các biện pháp tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh, làm thủy lợi trong những năm đầu lên lập nghiệp hầu như không có. Phân bón ruộng chủ yếu là phân chuồng, phân xanh. Tuy nhiên, các thế hệ người dân nơi đây luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tương trợ, ra sức chinh phục và cải tạo tự nhiên để lao động sản xuất cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Người dân đã biết tận dụng những lợi thế từ rừng với nhiều chim muông, thú rừng như: hổ, báo, hươu, nai, khỉ, gấu, lợn rừng,... để săn bắn, khai thác các loại lâm sản phục vụ nhu cầu hàng ngày. Hiện nay, do điều kiện rừng tự nhiên bị thu hẹp và các quy định của nhà nước về quản lý, khai thác nên việc săn bắn động vật được quản lý chặt chẽ. Mặt khác, đây cũng là vùng đất thiên nhiên khá khắc nghiệt, nhất là vào những mùa mưa lũ, nước từ trên thượng nguồn đổ về gây lũ quyét làm cho đời sống và sản xuất của người dân lâm vào cảnh khó khăn,... Ngoài trồng lúa, thì trồng màu được chú trọng. Đất ở đây chủ yếu là đất thịt, các vùng ven sông suối đất có pha cát nhẹ phù hợp với trồng các hoa màu như đậu, lạc, ngô, khoai, sắn,… người dân nơi đây còn biết tận dụng các phụ phẩm của nghề nông để chăn nuôi hươu, lợn, gà, cá, trâu bò phục vụ sức kéo, bổ sung nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi của nhân dân còn mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Hiện nay, hoạt động kinh tế của người dân Sơn Hồng vẫn là sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các giống lúa cũ được thay thế bằng các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn. Tuy nhiên chủ yếu thu nhập dựa vào khai thác lâm sản, kết hợp trồng hoa màu, làm vườn, chăn nuôi và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích trồng lúa (44 ha), diện tích còn lại (153,8 ha) chủ yếu trồng ngô, lạc, đậu, khoai và rau màu. Đất lâm nghiệp 17.306 ha, trong đó chủ yếu trồng keo lai, hiện nay có xu hướng triển khai trồng cây cao su tiểu điền. Ngoài ra người dân còn rất chú ý đến nghề rừng, chủ yếu tu bổ, bảo vệ rừng tái sinh, tận dụng các loại sản phẩm phụ như song, mây, nứa, một số loại cây rừng làm thuốc như hoàng đằng, dây quẹc, sắn sục. Kinh tế vườn, đặc biệt là rừng đem lại cho nhân dân Sơn Hồng nguồn thu nhập đáng kể.
Nghề chăn nuôi ở đây từng bước phát triển. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm vị trí quan trọng, nhất là trâu, bò (1.658 con) để cung cấp sức kéo, phân bón; lợn (gần 1.000 con), hươu (1.115 con), bên cạnh đó nghề nuôi ong, lấy mật đang được quan tâm, phát triển tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân.
Dịch vụ, thương mại nơi đây phát triển muộn, chủ yếu là tự cung, tự cấp, gần đây có phát triển hơn trước, có khoảng vài chục ki ốt kinh doanh chủ yếu đang nhỏ lẻ, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã có Công ty Cao su Hương Khê.
Ăn, ở, mặc, đi lại: hết sức đơn giản, bữa ăn của dân cư thường là sắn, ngô, khoai, rau rừng,... do ăn uống kham khổ, thiếu thốn, dần dần người dân đã săn bắt thịt thú rừng, tôm, cua, cá khe, sông, suối... chủ yếu là những thứ mà họ tự cung cấp được. Trang phục: rất đơn sơ, với quan niệm "ăn chắc, mặc bền", quần áo được trang bị để thích ứng với khí hậu và công việc. Xưa với các loại vải như thô bố, lụa sồi nhuộm bằng củ nâu; còn ngày nay, đời sống người dân đã khấm khá hơn nhiều, không chỉ dừng lại ăn chắc, mặc bền mà còn hướng vào thị hiếu thẩm mỹ, mùa nào áo nấy,... còn việc đi lại, di chuyển: chủ yếu là bằng đôi chân và quang gánh trên vai, dần dần có trâu bò hỗ trợ sức kéo, nên việc vận chuyển bằng phương tiện, vật nuôi được chú trọng dần thay thế sức người.
* Đời sống văn hóa, xã hội
Người dân Sơn Hồng cũng như các làng xã khác của huyện Hương Sơn lấy nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính. Từ các cụm dân cư dần hình thành cố kết lại với nhau thông qua quá trình khai phá đất đai và xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi tạo nên làng, xóm. Quá trình cải tạo đồng ruộng, khai khẩn đất đai là một quá trình được hình thành từ những cư dân ở các cụm dân cư khác nhau di cư lên đây nên ngoài những nét tương đồng, thì có những nét riêng biệt.
Tục ăn trầu, uống nước chè xanh
Đây vốn là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Tục ăn trần, uống nước chè là những nét đẹp để gắn kết cộng đồng, thôn xóm, vun đắp tình cảm bền chặt. Hễ người dân có ấm chè xanh mới nấu là thể nào cũng mời nhau cùng uống. Nó thành nếp của các nhà trong làng với nhau. Chủ nhà (thường là các bà) nấu xong, ra đứng bên hiên (hồi), bụi chuối kêu vọi sang hàng xóm liền kề. Cũng có khi sai con cháu đi mời. Bà con hàng xóm quây quần bên bát nước rôm rả chuyện làng, chuyện xã, chuyện tăng gia sản xuất, tuy nhiên do là xã có nhiều người nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp do đó cũng có những tập quán khác nhau; nhưng tục ăn trầu, uống nước chè vẫn là nét văn hóa cơ bản chung của người dân Sơn Hồng.
3. Các thiết chế văn hoá tín ngưỡng
Tục thờ tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đây là nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân cư Việt Nam nói chung, Sơn Hồng nói riêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã tồn tại từ ngàn đời nay. Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ mang đậm giá trị nhân văn, là niềm tự hào của mọi người và đó còn là sự gắn bó của huyết tộc, là một hình thức biểu thị lòng biết ơn đối với tiền nhân, trở thành phong tục tốt đẹp, có tác dụng giáo dục sâu sắc, mặt khác cũng biểu thị tâm lý, niềm tin thiêng liêng ở sự trường cửu của con người, của dòng họ. Người Việt Nam ta quan niệm ông bà cha mẹ sau khi chết, linh hồn vẫn ở bên con cháu để phù hộ, chở che và cũng để trừng phạt nếu con cháu làm điều sai trái. Thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ trước hết là biểu hiện tấm lòng hiếu thảo cũng như nuôi dưỡng các vị khi còn sống, sau là mong được Tổ tiên phù hộ cho con cháu được an khang, làm ăn tấn tới. Bàn thờ tổ tiên, ông bà được đặt nơi trang nghiêm. Trên bàn thờ có các đồ tế khí, bình hương... Nhà nào dù giàu hay nghèo đều có bàn thờ để thắp hương vào các ngày rằm, mồng một, các ngày lễ tết, các ngày kỵ của những người đã khuất.
Hàng năm, vào dịp lễ tết, người ta bày biện bàn thờ, làm mâm cỗ, sắm hương đèn… cúng Tổ tiên, ông bà. Các ngày lễ quan trọng nhất là Tết Nguyên đán, Tết Trung nguyên và ngày giỗ các tiên linh (đều theo lịch âm).
Các họ đều có nhà thờ tổ, họ lớn thì ngoài nhà thờ đại tôn, tiểu tôn tại các xã mà trước đây họ sinh sống. Họ ít người, chưa có nhà thờ thì thờ Tổ tiên ở nhà tộc trưởng. Ngoài giổ tết và ngày kỵ các vị Tiên tổ, con cháu đến thắp hương ở nhà thờ, thì quan trọng nhất, mỗi năm hai lần, vào lễ Thượng nguyên và Trung nguyên (Đêm 14 sáng rằm tháng giêng, tháng bảy âm lịch) các họ đều tế Tổ ở nhà thờ tại quê trước.
Niềm tin vào đạo lý, vào sự bất tử của Tổ tiên từ lâu đời đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt, trở thành thiêng liêng, thành Tín ngưỡng, thành Đạo, như một số người châu Âu gọi đó là “Tôn giáo của Việt Nam”.
Thờ cúng gia thần: Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, nhân dân Sơn Hồng còn có tục thờ cúng gia thần tại một số gia đình. Thờ cúng gia thần tức là thờ cúng các vị thần linh cai quản các gia đình như thần giữ vườn (Thổ công), thần Bếp (Táo Quân), thần quản về nghề nghiệp làm ăn (Tiên sư), thần giữ cổng (Môn gia hộ úy), thần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vật nuôi (Nhân súc Y thần).
Về cưới hỏi: Những đôi trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng được tự do tìm hiểu và bố mẹ chỉ góp ý, tác thành cho họ. Khi hai bên cha mẹ đồng ý, thường có lệ: Dạm ngõ (ngày xưa là lễ vấn danh), ăn hỏi, nạp tài và lễ cưới.
Về tang lễ: Sơn Hồng nói riêng và người dân Hương Sơn nói chung nếu trong gia đình chẳng may có người qua đời thì thực hiện đầy đủ các bước như trong sách Thọ mai gia lễ ghi: Lễ khâm lượm, lễ nhập quan, lễ thiết linh, lễ thành phục, lễ cúng cơm, lễ tế thổ công, lễ tập đòn, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt, lễ thành phần, lễ chầu tổ, lễ tế ngu, lễ ba ngày, lễ 50 ngày, lễ 100 ngày…
Về lễ tết: Cùng chung nền văn hoá với cộng đồng người Việt, vào những ngày lễ tết hàng năm được người dân tổ chức và chuẩn bị rất chu đáo. Vào dịp tết Nguyên Đán hằng năm, dù đi đâu, làm gì vào dịp này con cháu, thành viên trong gia đình cũng đều về sum họp đầy đủ. Những gia đình khá giả thì tổ chức ăn tết đến hết rằm tháng giêng (15/1/AL- tết Thượng Nguyên), còn những gia đình nghèo thì cũng tổ chức ăn đủ ba ngày tết, sau đó là những ngày ăn chơi, mừng tuổi đến sau ngày mồng 5 hoặc mồng 10 mới bắt đầu một năm làm việc mới.
Mừng thọ: “Kính lão đắc thọ”…là những nguyên tắc xử thế trong phong tục trọng lão truyền thống của người dân Sơn Hồng. Trong xã, xóm nào cũng có chi hội người cao tuổi, vào ngày mùng 4 âm lịch, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận lại tổ chức mừng thọ và tặng quà cho các cụ chẵn 70, 80, 90…Cũng vào dịp này, con cháu thường làm lễ mừng thọ cho ông bà cha mẹ. Nghi lễ đơn giản, ít tốn kém nhưng thể hiện được truyền thống hiếu thảo của con cháu. Đó là nét đẹp là truyền thống văn hóa được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ hội: Vào dịp đầu năm nhân dân tổ chức vui tết rất nhộn nhip. Các trò chơi dân gian như: kéo co, bóng đá, bóng chuyền,… hầu như năm nào cũng được tổ chức. Cũng dịp đầu xuân nông dân thì chọn ngày khai canh (đặt éc), thợ thủ công thì khai công để cầu mong năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ.
Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị văn hóa, văn minh đã lắng đọng, tích tụ trở thành những giá trị vô giá ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trên vùng đất Sơn Hồng. Truyền thống văn hóa, các phong tục tập quán tốt đẹp cùng đồng hành với Đảng bộ và nhân dân Sơn Hồng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.